Vừa qua, AMEC đã tham quan thực tế tại trường ĐH Sư phạm Giang Tây và Học viện Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc) và thấy cơ hội để du học sang hai trường này rất lớn bởi chất lượng đào tạo "đáng nể" mà giá lại rất "mềm".
Học viện Sư phạm Quảng Tây - mở ra tri thức mới
Với lợi thế địa lý rất gần biên giới với Việt Nam, phương tiện giao thông thuận tiện, Học viện Sư phạm Quảng Tây (tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây) đã thu hút rất nhiều du học sinh Việt Nam đến học tập tại đây. Học viện hiện có 2 khu giảng đường là Minh Tú và Trường Cương, có 16 khoa đào tạo 45 chuyên ngành bậc đại học, 31 chuyên ngành bậc thạc sĩ với nhiều ngành học như Tiếng Hán, Giáo dục, Triết học, Pháp luật, Quản trị kinh doanh… 2 phòng thí nghiệm xây dựng trọng điểm cấp tỉnh của trường đã góp phần đưa việc nghiên cứu khoa học của trường vào tốp hàng đầu. Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện cải cách giáo dục, trường đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, đã đạt được những giải cao về nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong giáo dục.
Đặc biệt, chi phí cho các khóa học phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình Việt Nam. Đối với lớp Dự bị đại học, học 3 tháng học phí khoảng 1.200 đôla/năm; lớp Đại học Hán ngữ (chính quy 4 năm) học phí khoảng 1.500 đôla/năm; lớp Nghiên cứu sinh (3 năm) học phí khoảng 1.800 đôla/năm; lớp Bồi dưỡng Hán ngữ (học từ 1 kỳ 5 tháng trở lên) học phí 700 đôla/kỳ. Tất cả các mức học phí trên không bao gồm phí dự thi và các phí khác. Về chi phí sinh hoạt, ở tại ký túc xá khoảng 600 đôla/người/năm cho phòng 2 người, khoảng 300 đô la/người/năm cho phòng 4 người. Chi phí ăn tại ký túc xá mất khoảng 50 đôla/tháng/người.
ĐH Sư phạm Giang Tây - điểm đến lý tưởng
ĐH Sư phạm Giang Tây được thành lập năm 1940. Trường được tỉnh xác định là trường đại học tổng hợp trọng điểm cần ưu tiên phát triển. Nằm trong khuôn viên hơn 4.500 mẫu, trường có 3 phân hiệu là Thanh Sơn Hồ, Thanh Viên Phổ và Giao Hồ. Khuôn viên trường được bao quanh bởi một con kênh uốn lượn dài 7km. Rất nhiều cây xanh với không khí trong lành đã khiến nơi dạy và học này như một công viên sinh thái lý tưởng. Các trang thiết bị trong trường rất đầy đủ, ký túc xá sinh viên được quản lý theo kiểu chung cư, 4 người/phòng, xe buýt đi thẳng vào trong trường.
GS Lý Hành Lượng, Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (thuộc ĐH Sư phạm Giang Tây) cho biết: Hiện nay, trường có trên 2.900 công nhân viên trong biên chế, trong đó có 1.860 giảng viên, 73% giáo viên có học vị từ thạc sĩ trở lên, trong đó có trên 500 tiến sĩ. Về đào tạo, có 12 trường đào tạo 9 chuyên ngành ở các bậc đại học, cao học, tiến sĩ. Học viện Đào tạo Quốc tế của trường đã ký kết đào tạo hợp tác với hơn 30 trường đại học trên thế giới, với số lượng học sinh trên 3.000. Trong đó trường cũng đã ký kết với các trường Việt Nam về đào tạo chuyên ngành giao thông, văn hóa quốc tế…
Đặc biệt, cứ một lưu học sinh quốc tế sẽ được Học viện phân công một học sinh TQ kèm học tiếng tại lớp và trong sinh hoạt tại ký túc xá. Về tài liệu học, tổng số tài liệu sách báo lưu trữ là trên 3 triệu, sách điện tử trên 1 triệu cuốn. Trường tổ chức chiêu sinh theo ngành, học sinh cũng có thể chọn sang ngành khác theo hình thức thi. Trong thời gian học, sinh viên có thể tự xếp đặt tiến trình học, chế độ kéo dài 3 - 8 năm, tự chọn môn, tự chọn giảng viên chuyên ngành.
Đăng ký du học Trung Quốc ở đâu?
Hiện nay, có rất nhiều đơn vị làm dịch vụ du học sang các trường này. Song một trong những kênh chính thống là qua các trường đại học ở Việt Nam và các công ty tư vấn du học có liên kết với hai trường trên. Tháng 3 vừa qua, công ty du học AMEC cũng đã sang tham quan và xúc tiến việc liên kết đào tạo với ĐH Sư phạm Giang Tây, Học viện Sư phạm Quảng Châu.
Đại diện Học viện Sư phạm Quảng Tây cho biết, Học viện đang tích cực mở rộng giao lưu hợp tác, thiết lập các mối quan hệ với các trường của Mỹ, Nhật, Canada, Thái Lan, Việt Nam… Riêng ở Việt Nam, trường đã có quan hệ hợp tác đào tạo chủ yếu về ngôn ngữ và quản trị với các trường: ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), ĐH Ngoại thương.
Viện trưởng Viện Giáo dục Quốc tế (ĐH Sư phạm Giang Tây), ông Lý Hành Lượng cũng khẳng định, mong muốn của trường là hợp tác chặt chẽ với các trường đại học của Việt Nam để liên kết đào tạo. Trường đã liên kết đào tạo với trường ĐH Hà Nội, sắp tới sẽ liên kết với trường ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên... và các trường đại học khác tại Việt Nam.
Mô hình liên kết đào tạo được hai trường đại học trên đưa ra là 1 + 3 (tuyển sinh bằng xét tuyển hồ sơ tại Việt Nam, sinh viên học 1 năm tiếng Trung ở Việt Nam, 3 năm học chuyên ngành ở Học viện Sư phạm Quảng Tây hoặc ĐH Sư phạm Giang Tây), 0 + 4 (cả 4 năm học tại Trung Quốc), 2 + 2 (2 năm học tại Việt Nam, 2 năm học tại Trung Quốc). Trường đại học phía Trung Quốc cấp bằng cho sinh viên sau tốt nghiệp. Các trường đại học Việt Nam sẽ lựa chọn sinh viên giúp cho các trường bạn. Theo hình thức này, các trường đại học Việt Nam đã giúp các em du học an toàn, hiệu quả với chi phí thấp hơn du học tự túc bởi trước khi thỏa thuận các trường bạn, phía Việt Nam đã có sự khảo sát kỹ chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, học phí, điều kiện ăn ở... của trường bạn. |