Mỹ tiếp tục là điểm đến lớn nhất. Theo Viện Giáo dục quốc tế, con số mới nhất cho thấy có 691.000 sinh viên nước ngoài ở Mỹ, đóng góp cho nền kinh tế giá trị ước tính đạt 20 tỷ USD. Ưu thế này phụ thuộc vào lượng sinh viên từ Trung Quốc hiện đang tăng nhanh khoảng 30% mỗi năm. Nhóm sinh viên Trung Quốc đã vượt qua Ấn Ðộ trở thành nhóm sinh viên nước ngoài lớn nhất. Trung Quốc trở thành hiện tượng trên thị trường sinh viên du học. Hiện có hơn 440.000 sinh viên Trung Quốc du học nước ngoài, và đang có những kế hoạch nhằm thúc đẩy lượng sinh viên nước ngoài đến du học ở các trường Trung Quốc với mục tiêu tham vọng là 500.000 chỗ. Ðất nước có lượng sinh viên lớn thứ ba ở Mỹ là Hàn Quốc.
Nguyên nhân của việc nhiều sinh viên Trung Quốc du học nước ngoài là sự thiếu hụt các khóa học chất lượng cao ở nước sở tại và sức ép có bằng cấp nước ngoài để tìm việc, Ra-hun Chu-đa-ha, Phó giám đốc Dịch vụ giáo dục quốc tế trụ sở ở Niu Oóc nói. Hệ thống các trường đại học ở Trung Quốc đã mở rộng về mặt số lượng, nhưng đang phải vật lộn để theo kịp những đòi hỏi về chất lượng.
Nó cũng phản ánh văn hóa của thị trường sinh viên nước ngoài đã thay đổi, trong khi các trường đại học phương Tây không còn ỷ được vào vị trí chủ chốt trước kia của nó nữa. Ðồng thời, kế hoạch đưa nhiều sinh viên nước ngoài về Trung Quốc là một phần trong xu thế quốc tế hóa nền kinh tế và biến thành sức mạnh tri thức. Sinh viên du học lớn nhất ở Trung Quốc đến từ Nga, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái-lan và Việt Nam.
Cũng có thể du học mà không cần thiết phải ra nước ngoài. Các con số của Hội đồng Anh cho biết, hiện số sinh viên du học tại chỗ, lấy bằng của Anh quốc còn lớn hơn số du học sinh tại Anh. Anh là điểm đến lớn thứ hai cho sinh viên du học. Hiện có 340.000 sinh viên tham gia các khóa học ở đại học Anh quốc ở chính quê hương họ, qua sự hợp tác giữa Anh và các trường đại học sở tại hay qua việc các trường đại học Anh quốc đặt chi nhánh ở các nơi, như trường Not-tinh-ham mở chi nhánh ở Ninh Ba - Trung Quốc. Hiện có hơn 160 chi nhánh của các trường đại học đã được mở ở hơn 50 nước, hầu hết là các trường đại học của Mỹ. Cũng có vô số sự hợp tác và các mức độ kết hợp đào tạo như một phần của sự hợp tác đan xen.
Theo Hội đồng Anh, dạng nghiên cứu 'xuyên quốc gia' đã tăng 70% trong thập niên này. Giám đốc điều hành của hội đồng Anh, Ma-tin Ða-vít-xơn nói rằng, điều này sẽ thu hút sinh viên khắp thế giới, những người không thể chi trả cho việc học ở nước ngoài trong vài năm. Công nghệ giúp thúc đẩy quá trình này. Bằng cấp qua mạng tạo nên những bước tiến dài trong xu thế này. Các công ty giáo dục lớn như Laureate của Mỹ kết hợp với các trường như đại học Li-vơ-pun để đưa ra các khóa học qua in-tơ-nét. Laureate có một mạng lưới các trường đại học kết nối ở 24 nước.
Một lý do chính khác nữa cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này đứng về phương diện quốc tế hóa là sự cạnh tranh giành các sinh viên tài năng nhất. Những viện nghiên cứu chủ chốt được đánh giá qua việc so sánh ở cấp độ quốc tế và cạnh tranh trong việc tuyển lựa những cá nhân xuất sắc nhất từ khắp nơi trên thế giới.
Viện công nghệ Ma-sa-chu-set (Mỹ) được công nhận rộng rãi là một trong những trường nghiên cứu tốt nhất trên thế giới. Nó đặt trụ sở ở Bô-xtông, nhưng những khoá học chuyên sâu sau tốt nghiệp dựa vào việc tuyển lựa những sinh viên xuất sắc nhất, và điều này có nghĩa là sự lựa chọn trên tầm toàn cầu thì hơn hẳn quốc gia. Khoảng 40% sinh viên đang theo học là người nước ngoài, Giám đốc và Phó hiệu trưởng văn phòng sinh viên quốc tế Ða-ni-en Ghi-sác- A-xơ-brúc nói 'Chúng tôi mở rộng việc tiếp nhận đối với sinh viên khắp thế giới. Chúng tôi không quan tâm tới quốc tịch, mà chỉ muốn tuyển lựa người giỏi nhất'. Sinh viên của trường thuộc hơn một trăm quốc tịch khác nhau, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Ðộ và Hàn Quốc.
Sự tăng trưởng sinh viên quốc tế ở trường đại học không phải là không có rủi ro. Sti-vơn X-oát là Phó hiệu trưởng danh dự trường đại học Mac-qua-ơ-ri ở Xít-ni đã làm việc cho nhiều trường đại học ở Mỹ và Anh. Ở Ô-xtrây-li-a, ông đã thấy thị trường sinh viên nước ngoài đang phát triển có thể sụt giảm nhanh chóng như thế nào. Sau một số vụ tiến công vào người Ấn Ðộ ở Ô-xtrây-li-a năm 2009, đơn xin học từ sinh viên Ấn Ðộ giảm 50%, và đe dọa ngành đã từng rất phát triển, trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ ba của Ô-xtrây-li-a. Ông nói rằng bài học từ sự tăng trưởng và sụt giảm đó là các hệ thống trường đại học luôn phải nhớ rằng sinh viên là những con người chứ không phải là những cuốn séc di động. 'Học tập với các sinh viên có nền tảng kiến thức đa dạng giúp sinh viên trong nước học về văn hóa, ẩm thực và ngôn ngữ của họ. Họ cũng học được về sự công bằng và kiên nhẫn, cách làm việc theo nhóm và chơi đẹp. Những bài học này quan trọng như bất kỳ điều gì được học trên lớp. Tuy vậy những bài học này sẽ bị phủ định nếu chúng ta đối xử với sinh viên nước ngoài chỉ như những nguồn thu nhập'- ông nói.