Lớp 11 chưa phải là năm thi cử nên bọn em đều phải đi học chính khóa vào buổi chiều. Hàng ngày công việc của em là: sáng dậy lúc gần 10 giờ, có hôm đi học thêm thì thức sớm hơn, sau đó thay đồ đi học. Đến chiều, sau khi tan trường thì chạy qua trường bồi dưỡng và nhận phần cơm tối mà mẹ làm sẵn rồi vào lớp ăn một cách vội vã cho kịp giờ học. Tối gần 10h em mới đặt chân tới nhà, mệt đến nỗi mắt mở không lên, thế là lăn ra ngủ, không đoài hoài gì tới đống bài tập mà thầy cô "hào phóng ban tặng". Em đã chẳng phải lo gì cho bài tập về nhà vì em biết thầy cô lắm lúc chẳng buồn sửa nên làm rồi cũng đâu có biết đúng hay sai.
Nhưng khi em qua Mỹ học mọi chuyện đã khác trước rất nhiều! Lúc đầu, em không biết mình phải làm bài tập về nhà nên em bị "missed" rất nhiều. Và hậu quả của những lần "missed" đó là lãnh con F to đùng. Và em còn nhận ra được một điều là diểm bài tập về nhà ảnh hưởng tới điểm giữa học kì và học kì. Thế là em phải thay đổi cách học ngay lập tức. Ngoài ra thầy cô giáo bên này rất sẵn lòng giảng lại từ đầu nếu có học sinh không hiểu dù chỉ là một câu hỏi. Trong khi đó hồi ở trường cũ, đôi khi nhiều bạn không hiểu, đề nghị thầy cô giảng lại thì nhận được những câu hỏi ngược: "Bộ anh/chị không nghe tôi giảng?" hay là có giảng thì cũng qua loa sơ sài.
Về phần kiểm tra bên này thì phải nói là cực kỳ thoải mái. Học tới đâu, học cái gì, ôn, kiểm tra cái đó, chỉ cần chăm ôn lại bài va nghe giảng là dễ dàng lấy điểm B+ tới A.
Nhưng nói như thế không phải nền giáo dục Việt Nam không có gì đáng nói. Thật ra giáo dục VN cũng có những cái hay nhất định, như: học sinh phải học môn giáo dục thể chất (Thể dục), môn GDQP, môn GDCD... Đó là những môn học mà ở Mỹ không đưa vào môn học bắt buộc và theo em thì đó là thiếu sót của họ. Mỗi nước có một nền giáo dục riêng, có cái hay riêng, có thiếu sót riêng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Nhưng điều quan trọng là phải phát huy ưu điểm, nhận thấy - sửa chữa - hạn chế những khuyết điểm. Bởi làm vậy thì thế hệ con em mới có được nền tảng vững chắc cho cuộc sống chông gai trong tương lai. Sâu xa hơn là vinh dự của một dân tộc.
Mọi người sẻ trả lời ra sao khi có người đặt câu hỏi như thế này: "Tại sao bạn đi du học?". Nếu câu trả lời rằng: "Tôi muốn mở mang kiến thức và khi về có thể góp phần xây dựng nước nhà". Câu trả lời này chỉ đúng một nửa, nửa còn lại: "Tôi không muốn phải "chạy sô" đi học thêm và cuối cùng là nhận phiếu báo... rớt đại học...". |